Bảo tồn 60 ha rừng tràm để 'dụ' ong lấy mật thu tiền tỷ

29/12/2024
|
0 lượt xem
Mekong Thời Sự Khám Phá
Bảo tồn 60 ha rừng tràm để 'dụ' ong lấy mật thu tiền tỷ

Gia đình anh Khanh quê ở huyện Cái Nước, nhiều năm bám đất khai thác cá đồng làm kế sinh nhai. Đến những năm 2000 vùng này chuyển sang nuôi tôm, gia đình quyết tìm khu vực đất rừng để giữ gìn nghề nuôi cá đồng truyền thống.

Anh Khanh đứng trên lớp than bùn xung quanh là rừng tràm nguyên sinh, giới thiệu về sản vật trong khu. Ảnh: An Minh

Sau thời gian tìm kiếm, gia đình anh thuê 60 ha đất rừng ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. Lúc này, tỷ lệ rừng che phủ hơn 80%, anh Khanh được cha giao toàn quyền khai thác để sinh lời. Chàng trai trẻ có nhiều kế hoạch phát triển, song trước mắt phải lấy ngắn nuôi dài bằng cách khai thác sản vật tự nhiên dưới cánh rừng như giăng lưới bắt cá, hái rau rừng bán.

Sau 2 năm gắn bó, nhận thấy tiềm năng rất lớn từ ong mật tự nhiên, anh Khanh quyết tâm theo chân những người thợ lành nghề ở địa phương để học gác kèo ong (hay còn gọi là nghề ăn ong). Cứ sáng sớm anh đi giăng lưới bắt cá, trưa lại đi gác kèo ong. Sau hơn hai năm, anh mới nắm hết kỹ thuật gác kèo ong từ những bậc tiền bối trong nghề.

Theo anh Khanh, nghề ăn ong xuất phát từ tập tính của ong mật chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà. Từ đó họ nghĩ ra cách dụ ong tới làm tổ rồi khai thác mật. Hệ thống tổ gồm hai cây cắm xuống mặt đất tạo độ nghiêng và một cây kèo gác bên trên. Nơi làm kèo tốt nhất là khu vực có những cây tràm thấp nhưng nhiều bông, ánh nắng mặt trời chiếu xuống tới kèo. Đợt mật đầu tiên thường được hình thành sau 15-20 ngày ong đến làm tổ.

Ở vùng U Minh Hạ, từ tháng 11-4 âm lịch là mùa mật ong nhiều nhất. Để đảm bảo cho đàn ong sinh trưởng và làm tổ thuận lợi, từ khi nhận đất anh Khanh vẫn giữ nguyên những cánh rừng, chưa từng khai thác cây nhằm giữ nguyên môi trường sinh thái tự nhiên. Tại đây, anh sở hữu hơn 10 ha rừng tràm nguyên sinh, có những cây hơn 100 tuổi, đường kính hơn 10 m.

"Tôi luôn nghĩ rằng ngày nào còn rừng tràm thì không lo thiếu ăn", anh Khanh nói, cho biết để đàn ong đến làm tổ nhiều cứ vài tháng chủ rừng phải dọn sửa kèo một lần để đủ ánh sáng giúp kèo không bị mục. Tháng 11 âm lịch là thời điểm phải dọn kèo đồng loạt để đón mùa mật ong lớn nhất năm.

Anh Khanh dành nhiều năm học cách gác kèo ong lấy mật. Ảnh: An Minh

Đến năm 2015, được tỉnh khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, anh bỏ ra hàng tỷ đồng làm nơi nghỉ chân cho khách, dựng cầu xuyên rừng cho khách tham quan, trải nghiệm vào rừng lấy mật ong. 5 năm đầu tiên, chủ rừng thu lợi nhuận rất cao từ hoạt động khai thác mật. Thời điểm này, mật ong bên ngoài bán 150.000 đồng, nhưng tại cơ sở của anh giá 300.000 đồng với chất lượng mật đảm bảo do du khách tận tay khai thác.

Trung bình một tháng anh đón khoảng 600 lượt khách đến trải nghiệm hoạt động ăn ong, tham quan rừng tràm nguyên sinh tại đây. Khu vực này, các kèo thường được làm khá lớn vì ong nhiều, tổ có kích thước tới 1-2 m. Chủ rừng từng khai thác một tổ ong dài hơn 2 m, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận đây là tổ ong lớn nhất Việt Nam vào năm 2021.

Hiện vào mùa ong làm mật, anh Khanh đón khoảng 500 khách trải nghiệm. Chủ rừng bố trí các kèo ong để du khách khai thác mật, giăng lưới bắt cá đồng, đặt trúm bắt lươn và thưởng thức các món ăn được làm từ những sản vật có sẵn của khu rừng. Một năm, anh Khanh đón khoảng 6000-7000 lượt khách, thu lãi hơn một tỷ đồng.

"Tôi mong muốn tạo ra khu vực rừng tràm tự nhiên rộng lớn để gìn giữ đàn ong mật U Minh Hạ giống như hàng chục năm về trước", anh Khanh nói, cho biết liên kết nhiều hộ trong khu vực để làm du lịch trải nghiệm, giúp người dân có thêm thu nhập.

Du khách thưởng thức mật ong còn trong tổ. Ảnh: An Minh

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau, cho biết tỉnh luôn hướng đến phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, phát triển nghiên cứu. Các trải nghiệm độc đáo từ khai thác thế mạnh độc đáo của rừng tràm luôn là hoạt động mà ngành du lịch khuyến khích.

Rừng tràm U Minh Hạ rộng khoảng 35.000 ha, nằm trên địa bàn một số xã thuộc địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời. Nghề gác kèo ong ở huyện U Minh và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2020.

Chúc Ly

Tin liên quan
Tin Nổi bật