Trả lời:
Alzheimer là bệnh thoái hóa thần kinh mạn tính, gây tổn thương các tế bào não khiến trí nhớ và khả năng tư duy suy giảm dần theo thời gian. Bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh sa sút trí tuệ, nguy cơ gia tăng ở người trên 65 tuổi. Alzheimer ảnh hưởng nhiều đến công việc cùng chất lượng sống của người bệnh.
Hiện, chưa rõ nguyên nhân gây bệnh Alzheimer nhưng tuổi tác là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Trong gia đình có người bị Alzheimer cũng làm tăng khả năng mắc bệnh. Các yếu tố như tăng huyết áp kéo dài, chấn thương đầu, bệnh tiểu đường, căng thẳng thường xuyên, cholesterol cao, hút thuốc, ít giao tiếp xã hội có thể thúc đẩy phát triển bệnh Alzheimer.
Triệu chứng Alzheimer giai đoạn sớm thường rất nhẹ, người bệnh có biểu hiện hay quên, khó tập trung, mất dần khả năng tư duy, sáng tạo. Ở giai đoạn tiến triển, người bệnh xuất hiện nhiều triệu chứng như khó khăn trong việc diễn đạt, khó nói, hoạt động chậm chạp, thay đổi hành vi tâm lý, dễ nổi cáu, thường xuyên xuất hiện ảo giác... Giai đoạn nặng, người bệnh mất khả năng chăm sóc bản thân, mất khả năng vận động, sụt cân, kiệt sức, có thể dẫn tới tử vong do các nguyên nhân nhiễm trùng, viêm phổi, suy dinh dưỡng...
Bác sĩ Nam khám cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Alzheimer là bệnh phức tạp, cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị triệt để. Một số loại thuốc, kỹ thuật hiện đại góp phần giúp người bệnh cải thiện triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mục tiêu điều trị chủ yếu tập trung vào quản lý và giảm nhẹ triệu chứng. Người bệnh Alzheimer cần có sự động viên và quan tâm, chăm sóc từ chính những người thân trong gia đình.
Mỗi người nên chủ động xây dựng lối sống lành mạnh, tuân thủ điều trị các bệnh lý nền (nếu có), bỏ thuốc lá, luyện tập thể dục thể thao đều đặn, ăn uống khoa học, ngủ đúng và đủ giấc, để làm chậm quá trình phát triển Alzheimer. Tham gia các hoạt động duy trì và cải thiện trí nhớ như đọc sách, chơi cờ, chơi đàn, sáng tạo nghệ thuật, công tác xã hội... cũng có lợi trong quá trình điều trị bệnh.
Bạn nên đưa mẹ đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để các bác sĩ kiểm tra đánh giá mức độ cụ thể của bệnh. Từ đó, bác sĩ đưa ra những chỉ định điều trị phù hợp.
Dù Alzheimer phổ biến ở người già nhưng người trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Nếu xuất hiện triệu chứng hay quên, mọi người nên tới các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được tư vấn.
BS.CKI Vũ Văn NamKhoa Thần kinh - Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp