Chuyên gia: Việt Nam sẽ mất cơ hội nếu e dè mua bán tín chỉ carbon

09/01/2025
|
0 lượt xem
Chính Sách Kinh Doanh Netzero
Chuyên gia: Việt Nam sẽ mất cơ hội nếu e dè mua bán tín chỉ carbon

Nhận định này được các chuyên gia nêu tại tọa đàm "Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, nhìn từ tín chỉ carbon rừng và thực thi EUDR", ngày 21/11.

Tín chỉ carbon (Carbon credit) là một loại hình giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.

Chia sẻ khi đang dự Hội nghị COP29 tại Azerbaijan, ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng Việt Nam đang làm tốt các dự án phát thải trong nông nghiệp, lâm nghiệp.

Tuy nhiên, để một dự án bán được tín chỉ carbon mất khá nhiều thời gian. Hiện thời gian triển khai dự án carbon khoảng 1-1,5 năm mới xong phần cơ sở. Việc kiểm kê khí nhà kính của dự án mất 3 năm. Sau đó, để dự án bán được tín chỉ carbon cần thêm 3-5 năm nữa.

Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tấn tín chỉ carbon tới năm 2025. Ông Trần Hiếu Minh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho hay nhiều đối tác đang bày tỏ quan tâm tới chuyển nhượng tín chỉ carbon.

"Nếu không tận dụng kịp thời, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội, bởi tín chỉ carbon càng lâu sẽ giảm giá trị, ảnh hưởng đến mức giá khi giao dịch", ông Minh chia sẻ.

Ông Trần Hiếu Minh (bên trái) và ông Hà Công Tuấn tại buổi tọa đàm, ngày 21/11. Ảnh: Phạm Hưng

Thiếu khung pháp lý, chính sách, theo ông Nguyễn Đình Thọ, là điểm nghẽn lớn nhất khiến Việt Nam phát triển chậm thị trường tín chỉ carbon. Trong khi nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Singapore đã hình thành thị trường này với mức đầu tư lớn.

Luật Lâm nghiệp 2017 đã có quy định về rừng trồng và rừng tự nhiên, nhưng chưa làm rõ cơ chế liên quan đến tín chỉ carbon. Nhà đầu tư muốn tham gia cần biết cơ chế chia sẻ lợi ích, nhưng điều này hiện chưa được quy định cụ thể, gây khó khăn trong thu hút đầu tư vào các dự án rừng tự nhiên.

"Sự e dè trong mua bán tín chỉ carbon có thể làm mất cơ hội của Việt Nam. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần nhanh chóng đưa ra khung chính sách để thị trường này phát triển, nếu không muốn mất cơ hội bắt kịp thế giới", ông Thọ nói.

Hiện thế giới có thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa (bắt buộc). Thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa.

Còn thị trường carbon tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.

Ông Hà Công Tuấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng quá trình triển khai các thỏa thuận giao dịch tín chỉ carbon vẫn còn nhiều thách thức, do Việt Nam hiện chưa có cơ chế vận hành chính thức cho thị trường tín chỉ carbon.

Dự kiến tới 2028, thị trường tín chỉ carbon chính thức mới vận hành, theo Nghị định 06/2022 về quy định giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Khi chưa có thị trường chính thức, ông Tuấn đề xuất nhà chức trách nên cho phép triển khai thí điểm và xuất bán tín chỉ ra quốc tế. Bởi khả năng và tiềm năng giao dịch tín chỉ carbon ở trong nước còn rất hạn chế, theo ông Tuấn.

Thực tế, lộ trình giảm phát thải trong nông nghiệp được chuẩn bị từ năm 2014, khởi đầu với việc xây dựng tín chỉ carbon tại khu vực Bắc Trung Bộ.

Tháng 10/2020, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) ký chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon. Hiện tại, chúng ta đã thực hiện chuyển nhượng một phần số tín chỉ này và còn 5,9 triệu tín chỉ chưa được chuyển giao. WB đã đề xuất chuyển tiếp 4,9 triệu tín chỉ.

Sau khi hoàn tất chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon, đến tháng 3/2024, Việt Nam đã nhận được tổng số tiền 51,5 triệu USD từ WB. Số tiền này đã được phân bổ về các địa phương. Trong đó, 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã triển khai việc chi trả, mang lại lợi ích cho khoảng 7.000 chủ rừng. Hiện tại, gần 400 tỷ đồng đã được các địa phương chi trả theo đúng quy định.

Hiện nay, Việt Nam triển khai Đề án 1 triệu ha lúa, một dự án quan trọng nhằm giảm phát thải khí mê-tan – loại khí nhà kính có tác động lớn đến biến đổi khí hậu.

Việt An

Tin liên quan
Tin Nổi bật