"Chỉ cần chậm một chút là mất cơ hội", anh Oliver nói.
Chàng trai người Anh, 39 tuổi, đã có 15 năm sống và làm việc ở TP HCM. Trước đây anh không nghĩ người nước ngoài như mình có thể mua nhà nên chỉ đi thuê. Cuối năm ngoái, sau khi kết hôn với cô gái Việt Nam, nhu cầu về một chỗ ở "an cư lạc nghiệp" khiến anh đi tìm hiểu lĩnh vực này.
"Hóa ra chúng tôi không chỉ được mua mà các thủ tục cũng nhanh, thuận lợi và dễ dàng", Oliver cho biết.
Nhưng anh cũng nhanh chóng cảm nhận được sức nóng của thị trường. Cặp vợ chồng trẻ bắt đầu đi tìm nhà từ tháng 12/2003 với tài chính 5 tỷ đồng. Họ mong muốn ở quanh khu vực các phường Thảo Điền, An Phú (TP Thủ Đức). "Chỗ vừa giá thì nhà không ưng ý, chỗ đúng ý thì giá quá cao", chị Bảo Vy, 33 tuổi, vợ Oliver nói.
Đầu năm 2024, họ tìm được căn hộ phù hợp thì công ty gặp vấn đề về tài chính, thiếu 900 triệu. Cùng lúc, vợ anh cũng chưa bán được căn chung cư ở quận Gò Vấp. Họ đành lỡ hẹn cho đến giữa năm nay. Khi Oliver quay lại, căn hộ đã tăng giá thành 6 tỷ đồng, cao hơn 20% so với ba tháng trước.
Cuối cùng, Oliver tìm đến chung cư ở đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức có giá bán tương đương nhưng nhiều ưu điểm như thuận tiện đến quận trung tâm, cách chỗ làm 10 phút đi xe máy, gần siêu thị và bệnh viện.
Oliver được người môi giới chuẩn bị giúp các thủ tục pháp lý. Anh nhận ra kể cả khi không kết hôn với người Việt, người nước ngoài vẫn có thể đứng tên sở hữu, khác với hình dung của anh vào 15 năm trước.
Căn hộ của vợ chồng anh Oliver Bennett ở TP Thủ Đức, TP HCM, sáng 6/11. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Oliver nằm trong làn sóng người nước ngoài tìm mua nhà Việt Nam, đặc biệt khi chính sách sở hữu nhà được nới lỏng từ năm 2015. Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giai đoạn 2018-2022, số người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam chỉ chiếm 0,53% tổng lượng nhà ở cả nước. Nhưng thị trường này bắt đầu bùng nổ từ đầu năm 2023. Hơn 90% chọn mua căn hộ chung cư.
Bà La Kim Mỹ Duyên, giám đốc kinh doanh tập đoàn bất động sản IQI, cho biết theo luật chỉ 30% tổng số căn hộ của dự án chung cư xây mới được phép bán cho người nước ngoài. Chính vì thế, các dự án mở bán mới ở quận 1, quận 4, quận 7 và TP Thủ Đức thường xuyên trong tình trạng "hết suất" dù nhu cầu mua vẫn còn rất cao.
Khoảng 70% đơn đăng ký mua là người châu Á như Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc, độ tuổi phổ biến 35-45. Theo thống kê của tập đoàn bất động sản CBRE, khách hàng nước ngoài chuộng nhất là căn hộ cao cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Đến nay, nhóm khách hàng này đã sở hữu hơn 3.000 bất động sản.
Theo chỉ số Savills Residential Prime Index, căn hộ hạng sang ở TP HCM có giá thấp hơn khoảng 14% so với Bangkok và 50% so với Singapore, mặc dù vẫn cao hơn 72% so với Kuala Lumpur.
Bà La Kim Mỹ Duyên đưa ra hai nguyên nhân chính khiến người nước ngoài tăng mua nhà ở Việt Nam.
Thứ nhất, họ đang nhắm vào đầu tư kiếm lời nhờ thị trường bất động sản liên tục sốt giá thời gian qua và tỷ suất cho thuê ở thị trường TP HCM và Hà Nội rất có lợi. Tính toán chu kỳ những năm 2015-2019 cho thấy tỷ suất cho thuê lên đến 6-7%.
Thứ hai, kinh tế và xã hội phát triển ổn định khiến tệp người nước ngoài định cư (nghỉ hưu, kết hôn) ở Việt Nam cũng đang tăng mạnh.
"Thị trường dành cho người nước ngoài dự kiến tăng trưởng mạnh trong tương lai, khi nguồn cung bất động sản sơ cấp mới chuẩn bị được tung ra", bà Duyên nhận định.
Phòng ngủ trong căn hộ của ông Bowie ở TP Thủ Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bowie Leung, người Hong Kong, làm kinh doanh ở Việt Nam từ năm 1989. Hiện ông sở hữu 10 căn hộ chung cư ở quận 7 và TP Thủ Đức. Căn đầu tiên ông để ở, số còn lại đầu tư để cho thuê.
"Giá nhà ở Việt Nam không rẻ so với khu vực Đông Nam Á nhưng đó là khoản đầu tư dài hạn và hợp lý", ông Bowie nói.
Người đàn ông này đã theo dõi thị trường bất động sản Việt Nam từ những năm 2000. Ông nói các dự án vị trí tốt ở quận 7, quận 9 và TP Thủ Đức là "mỏ vàng". Doanh nhân Hong Kong từng một lần hủy cọc ở một bất động sản ở Bình Dương bởi không cảm nhận được ổn định của thị trường cho thuê như TP HCM.
Theo ông, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế bởi nền kinh tế phát triển nhanh ở ASEAN, thu hút vốn đầu tư và nhân lực người nước ngoài. Nhưng cùng với đó là các yếu tố như dân số và đô thị hóa tăng nhanh, môi trường, chính sách ổn định, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh và số lượng người có thu nhập cao ngày càng nhiều khiến bất động sản sẽ đắt đỏ hơn.
Ba năm qua, Bowie cảm nhận sự thuận lợi trong việc mua nhà. Ông chọn loại hợp đồng SPA (Sale and Purchase Agreement) mua bán chính thức thay vì LTL (Long Term Lease) hợp đồng cho thuê dài hạn.
Ông Troy Griffiths, phó giám đốc điều hành công ty bất động sản Savills Việt Nam, nói trước khi sửa đổi Luật Đất đai, việc bán nhà cho người nước ngoài thường bị lách qua các hợp đồng cho thuê dài hạn. Điều này hiện nay đã bị cấm và đẩy nhu cầu của người nước ngoài vào thị trường sơ cấp.
Sự gia tăng đầu tư của người nước ngoài cũng cho thấy hạn chế về nguồn cung. Ông Troy Griffiths ước tính TP HCM và Hà Nội đang thiếu hụt nguồn cung chung cư và cần thêm 30.000- 50.000 căn mới mỗi năm.
Chung cư là loại bất động sản sinh lời tổng thể cao do tăng trưởng giá trị vốn và cho thuê. Điều này dẫn đến người mua nước ngoài phải cạnh tranh trong cùng một thị trường, nơi mà sự lựa chọn nguồn cung có sẵn rất hạn chế.
Về tính tác động, ông Troy Griffiths nói thị trường bất động sản đang bị mất cân đối cung cầu, thừa ở phân khúc cao cấp và thiếu hụt ở phân khúc trung và thấp, phù hợp với khả năng chi trả của tầng lớp trung lưu.
Bowie Leung vừa mua được căn hộ mới, diện tích 70 m2, ba phòng ngủ ở TP Thủ Đức, tầm nhìn hướng về phía quận 1, với công viên nhiều mảng xanh. Ông cảm thấy hài lòng, dự định đây sẽ là khoản tích lũy hưu trí của mình.
"Tôi quyết định mua nhà vì đã xem Việt Nam là quê hương thứ hai", ông nói.
Ngọc Ngân