Thông qua theo dõi trao đổi, tôi phát hiện ra nhiều người hiểu chưa chính xác về động đất và cách đối phó, dẫn đến nhiều ngộ nhận.
Ngộ nhận phổ biến và nguy hiểm nhất về động đất là cần phải chạy ngay ra khỏi các tòa nhà cao tầng. Thực tế, sóng động đất di chuyển khoảng 3-14 km mỗi giây, nên với khoảng cách vài chục tới vài trăm cây số, chỉ cần khoảng hơn một phút là sóng động đất đã tới, chứ không chậm rãi như sóng thần. Khoảng thời gian giữa các đợt sóng động đất còn ít hơn nhiều. Vì vậy cách xử lý tốt nhất khi có động đất, theo hướng dẫn của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) là "Hạ thấp, Che chắn, và Nắm chặt" (Drop, Cover, and Hold On). Những quốc gia có nguy cơ động đất cao, như Nhật Bản, NewZealand cũng áp dụng nguyên tắc này. Tức là nằm hoặc cúi xuống sàn, che chắn bản thân, đầu và cổ, ở dưới các vật cứng như bàn làm việc, bàn ăn. Giữ chặt một điểm tựa để tránh chấn thương do hất tung hoặc sụt vỡ, và không di chuyển cho tới khi dừng rung lắc. Việc chạy vội ra thang máy hay thang bộ ở chung cư đều không cứu bạn khỏi các nguy hiểm trực tiếp từ động đất, mà có thể gây nguy hiểm cho chính bạn khi sóng động đất theo bề mặt cuộn tới. Điều này liên quan tới ngộ nhận thứ hai.
Sóng động đất không liên tục mà chia làm hai giai đoạn với bốn loại sóng chính. Giai đoạn thứ nhất là sóng trực tiếp từ lòng đất. Giai đoạn này có hai loại sóng là sóng sơ cấp và sóng thứ cấp. Sóng sơ cấp xung kích thẳng từ tâm chấn ở một độ sâu nào đó trong lòng đất tới bạn, nên là sóng nhanh nhất nhưng cũng yếu nhất. Sóng thứ cấp mạnh hơn sóng sơ cấp khoảng một vài lần, nhưng chậm hơn do chỉ truyền trong môi trường rắn, phải lượn vòng qua các túi khí, chất lỏng và bán lỏng trong lòng đất.
Giai đoạn hai tới chậm hơn, là khi sóng động đất từ tâm chấn đã lên thẳng mặt đất, và bắt đầu truyền theo phương ngang trên bề mặt tới chỗ bạn. Hai loại sóng chủ yếu trong giai đoạn này là sóng ngang và sóng cuộn. Sóng ngang dao động theo phương vuông góc với phương truyền, trong khi sóng cuộn đánh ập vào công trình tới hai lần từ phía trước và phía sau. Đây là loại gây ra nhiều hư hỏng, thiệt hại nhất. Vì vậy, khi bạn không nghe tiếng rung, không có nghĩa là động đất đã hết. Một mẹo để biết là nhìn đèn treo. Nếu đèn lắc lư theo một hướng thì có nghĩa là giai đoạn hai còn chưa tới, cần che chắn khẩn cấp. Nếu đèn bung biêng xoay tròn, nghĩa là giai đoạn hai đã qua.
Ngộ nhận thứ ba là công trình nứt khi động đất là kém chất lượng. Thực tế, việc nứt chỉ chứng tỏ công trình không có các thành phần giảm rung chấn. Ở Nhật Bản, các tượng được xây chắc với nền đều sẽ nứt vỡ do động đất. Vì vậy, họ thường làm tượng có thể xê dịch ở biên độ rất nhỏ. Việc làm các cấu kiện chống rung chấn thường mất nhiều tiền và không được quy định trong tiêu chuẩn của các nước ít động đất. Tuy nhiên, nếu như nhà đổ sụp ngay khi có rung chấn nhỏ thì có thể là thiết kế hoặc thi công có vấn đề. Vì các tiêu chuẩn thường quy định phải tính toán tải trọng động đất quy đổi, tức là phải đứng vững trước các dư chấn bình thường. Về cơ bản, các vết nứt thường làm thay đổi phân bố tải trọng của công trình và làm cốt thép bị rỉ. Vậy nên, thường các vết này sẽ lan rộng về lâu dài.
Ngộ nhận thứ tư là rung động ở tâm chấn sẽ cao hơn ở các nơi khác. Thực tế rung chấn còn phụ thuộc vào điều kiện địa chất. Từng có nhiều vụ động đất ghi nhận rung chấn ở các thành phố lân cận với nền địa chất yếu, lại cao hơn ở tâm chấn. Do lịch sử nông nghiệp, hầu hết thành phố và khu đông dân cư đều được xây dựng trên lớp dày phù sa.
Ngộ nhận thứ năm là Việt Nam nằm xa các đới đứt gãy nên sẽ không có tâm chấn. Đới đứt gãy là nơi tiếp xúc của các mảng vỏ trái đất, nơi thường xuyên có các chấn động. Một cách hình tượng, trái đất giống như một cái bánh đang nguội đi và co lại. Khi diện tích bề mặt giảm, các mảng vỏ đã bị nguội và cứng hóa sẽ bị kéo chồng lên nhau. Đối lưu của lớp phủ dưới vỏ (mantle) càng làm các lớp này di chuyển và va chạm với nhau. Có nhiều cách phân loại, nhưng các đới đứt gãy nổi tiếng là nơi tiếp giáp của khoảng 8 mảng vỏ Trái Đất lớn nhất. Các mảng này thực ra còn chứa tới 15 mảng nhỏ và khoảng 50 mảng siêu nhỏ (so với bề mặt trái đất). Do vậy, việc Việt Nam có tâm chấn là hoàn toàn có thể, đặc biệt là những nơi vẫn đang có hoạt động tạo núi. Thực tế, Việt Nam từng có nhiều trận động đất với tâm chấn ở vùng núi Tây Bắc.
Từ góc nhìn tích cực, Việt Nam đã làm tốt trong đối phó với động đất loại nhỏ. Tuy nhiên vẫn còn có không gian để cải thiện. Ví dụ, tiêu chuẩn TCVN 9386:2012 của Việt Nam được biên soạn dựa trên tiêu chuẩn châu Âu Eurocode 8, nên về cơ bản đã quy định đầy đủ về các tính toán với tải trọng động đất. Tuy nhiên, có rất nhiều tham số tính toán phụ thuộc vào điều kiện địa chất và tần suất động đất của địa phương. Các tham số này sẽ khác nhau với từng đô thị. Cần lập bản đồ để tham chiếu giá trị cho các tham số này như nhiều nước châu Âu đã làm. Bên cạnh đó, cần kiểm tra việc tập dượt cho các phương án sơ tán khi có thảm họa.
Cũng cần có các tiêu chuẩn khắc phục sự cố sau động đất. Khi bê tông đã nứt vỡ, không thể chỉ bôi trát mà an toàn. Nhìn chung, bê tông có thể trụ vững ít nhất 50 năm, và chung cư có thể bền hàng trăm năm nếu bảo trì tốt. Nhưng các chung cư ở Việt Nam chỉ khoảng 40 năm là đã xuống cấp nghiêm trọng. Điều này có thể do việc thi công và các hoạt động cơi nới của người dân. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể và giám sát chặt chẽ các hoạt động sửa chữa bảo trì làm sao cho công trình khôi phục được sức chống chịu như trước khi xảy ra các sự cố, thảm họa.
Sự thận trọng là không thừa, để ngăn ngừa thảm họa lớn ngay cả khi rung chấn chỉ là rất nhỏ.
Tô Thức