Người cao tuổi TP HCM mắc bệnh nào nhiều nhất?

30/12/2024
|
0 lượt xem
Sức Khỏe Tin Tức
Người cao tuổi TP HCM mắc bệnh nào nhiều nhất?

Ngày 5/9, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, cho biết ngành y tế đã khám sức khỏe và tầm soát bệnh cho 19,5% người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn. Trong tháng 8, hơn 50.000 người được khám - con số cao nhất từ đầu năm đến nay.

Số người tăng huyết áp mới được phát hiện lần đầu qua quá trình khám sức khỏe là 32.847, chiếm hơn 14%. Thành phố cũng ghi nhận nhiều người cao tuổi mắc hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư. Nhiều người có dấu hiệu nghi ngờ mắc ung thư, được giới thiệu bệnh viện tuyến trên để chẩn đoán xác định.

Ngành y tế cũng triển khai khảo sát đánh giá mức độ trầm cảm, lo âu và đánh giá chất lượng cuộc sống. Kết quả, 0,26% người cao tuổi có mức độ trầm cảm, lo âu từ vừa đến nặng. 17,6% có dấu hiệu tiền suy yếu, 1,3% người có dấu hiệu suy yếu, 2,3% có nguy cơ té ngã.

Nhiều người cao tuổi cần người khác hỗ trợ trong các hoạt động sống cơ bản hằng ngày như tắm, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh, tiêu tiểu, di chuyển. Số khác cần hỗ trợ các sinh hoạt như sử dụng điện thoại, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ...

Lấy máu xét nghiệm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi tại phường 14, quận 11. Ảnh: Trung tâm Y tế quận 11

3 tháng cuối năm, các địa phương đẩy nhanh tiến độ khám, nhằm đạt chỉ tiêu 80% người cao tuổi được khám sức khỏe và sàng lọc bệnh không lây theo chỉ đạo của UBND TP HCM. Hiện, quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, quận 1, quận 12 có tỷ lệ khám còn thấp.

TP HCM chính thức khám sức khỏe miễn phí toàn bộ người cao tuổi (không phân biệt thường trú hay tạm trú) trên toàn thành phố từ đầu năm 2024, sau khi thí điểm ở một số xã phường vào cuối năm ngoái. Người từ 60 tuổi được khám lâm sàng, siêu âm ổ bụng, định lượng glucose, creatinin, LDL-C, Triglyceride. Dự kiến, mỗi năm ngân sách thành phố chỉ khoảng 150 tỷ đồng để khám định kỳ hơn một triệu người cao tuổi nhằm kịp thời phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm.

Sau khám sức khỏe, người dân mắc bệnh không lây nhiễm được tổ chức quản lý điều trị theo chương trình tích hợp gắn với trạm y tế. Kết quả khám được số hóa để liên thông vào hồ sơ sức khỏe điện tử, giúp người dân tự quản lý thông tin sức khỏe cá nhân, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ sở khám chữa bệnh khi người dân đến khám.

Từ dữ liệu này, ngành y tế xác định được mô hình sức khỏe và bệnh tật của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn, chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Lê Phương

Tin liên quan
Tin Nổi bật