Người Việt thải hơn 300.000 tấn nhựa, bìa carton khi mua hàng online

29/12/2024
|
0 lượt xem
Kinh Doanh Netzero Hành Tinh Kêu Cứu
Người Việt thải hơn 300.000 tấn nhựa, bìa carton khi mua hàng online

"Thương mại điện tử gây nhiều tác hại tới môi trường, gồm việc sử dụng bao bì ở khâu đóng gói, hoàn thiện đơn hàng", ông Đoàn Quốc Tâm - chuyên gia tư vấn Tổ chức quốc tế về môi trường (WWF) chia sẻ tại hội thảo Xu hướng phát triển TMĐT bền vững trong kỷ nguyên số, ngày 21/11.

Ông Tâm dẫn số liệu từ các đơn vị bưu chính cho biết năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam giao hơn 1,8 tỷ kiện hàng, sử dụng 160.000 tấn bìa carton và 145.000 tấn nhựa các loại (mút xốp, xốp nilon chống sốc, túi nilon...).

"Có rất nhiều đơn hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp trong mua hàng trực tuyến. Tỷ trọng bao bì trên hàng hóa cao hơn rất nhiều so với giao dịch trên kênh truyền thống", ông Tâm nói.

Nói với VnExpress, chuyên gia WWF chia sẻ các đơn hàng 1.000 đồng, phí ship 0 đồng có tác động tiêu cực ở chỗ kích thích mua sắm thiếu trách nhiệm. Bởi với các đơn hàng giá trị thấp, chỉ một sản phẩm, người bán cũng phải đóng gói thành một kiện hàng.

Bên cạnh đó, thói quen mua sắm tùy hứng cũng gây hại môi trường khi nhiều đơn hàng phát sinh, thậm chí chia thành nhiều lần.

Người dân mua nước trái cây đựng trong cốc nhựa, TP HCM, năm 2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Tự phát là một trong nhiều đặc điểm của người mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, theo Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực miền Bắc NielsenIQ Việt Nam.

Theo khảo sát của NielsenIQ, 37% người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương không lên kế hoạch mua sắm cho giao dịch trực tuyến gần nhất. 47% người được hỏi không tham gia các chương trình mua hàng online do sợ mua mất kiểm soát.

Bà Hà nói thêm, người tiêu dùng thường đưa ra quyết định rất nhanh khi mua các sản phẩm giá trị thấp. Và tới khi tài xế gọi giao hàng, họ không hiểu đã chọn mua từ bao giờ.

Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 22 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á, theo báo cáo "e-Economy SEA 2024" của Google, Temasek, Bain & Company. Dự báo đến 2030, thị trường Việt Nam tăng trưởng trung bình hơn 19% mỗi năm và đạt 63 tỷ USD, vượt Thái Lan và đứng thứ hai khu vực sau Indonesia.

Thị trường tăng trưởng nhanh đi kèm với quan ngại về môi trường. Ông Tâm cho hay số nhựa dùng trong đóng gói của Việt Nam cao gấp 2,7 lần phía Trung Quốc.

Với 1 tỷ kiện hàng hóa mua trực tuyến, Trung Quốc sử dụng 157.000 tấn bao bì, nhựa chiếm hơn 18%. Trong khi đó, Việt Nam dùng tới 166.000 tấn bao bì, hơn một nửa trong số này là nhựa các loại.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có tiêu chí, quy chuẩn về dịch vụ, sản phẩm xanh. Đây là rào cản trong hoạt động khuyến khích phát triển bền vững của các sàn thương mại điện tử, như TikTok Shop.

Ông Nguyễn Lâm Thanh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam cho biết khi lên kế hoạch hỗ trợ chương trình phát triển bền vững, họ không tìm thấy tiêu chí xác định thế nào là một sản phẩm xanh hay bền vững.

Chẳng hạn, các sản phẩm mới của startup nói về xanh song doanh nghiệp không chứng minh được tính bền vững hay sản phẩm giảm phát thải carbon. "Ví dụ, ống hút giấy liệu có thực sự thải carbon ít hơn ống nhựa?", ông Thanh đặt vấn đề, thêm rằng khi chưa có tiêu chuẩn, việc tổ chức một chương trình lớn có thể vô tình cổ súy cho đối tượng trục lợi.

Để hướng tới thị trường thương mại điện tử bền vững, thân thiện với môi trường, ông Đoàn Quốc Tâm cho rằng nhà chức trách cần xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh để doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Về phía cơ quan quản lý, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết họ đang tham mưu xây dựng một bộ tiêu chí linh hoạt trong phát triển thương mại điện tử, trình Chính phủ thời gian tới. Việc này nhằm hướng thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển bền vững dựa trên cân bằng ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.

Thủy Trương

Tin liên quan
Tin Nổi bật