Nhà kinh tế học viết về sự bình đẳng

31/12/2024
|
0 lượt xem
Chính Sách Giải Trí Làng Văn
Nhà kinh tế học viết về sự bình đẳng

Tác phẩm là cái nhìn của Thomas Piketty về sự hình thành và phát triển của phong trào hướng tới bình đẳng trong xã hội - kinh tế - chính trị. Ông lật lại tiến trình lịch sử, dẫn dắt người đọc qua những sự kiện lớn của thế giới hiện đại, từ sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, thời kỳ cách mạng, chủ nghĩa đế quốc - thực dân, hai cuộc thế chiến, các cuộc khủng hoảng kinh tế đến việc xây dựng nhà nước phúc lợi. Tác giả cho rằng những sự kiện này tạo thay đổi về thể chế và luật pháp.

Tác giả khảo sát nhiều lĩnh vực, ở các thước đo chất lượng cuộc sống, chẳng hạn tuổi thọ bình quân, cơ hội giáo dục, tỷ lệ mù chữ, quyền con người. Sách bộc lộ góc nhìn lạc quan: Loài người đang tiến gần hơn đến sự bình đẳng, dù quá trình này ngắt quãng, không suôn sẻ.

Dù vậy, xen kẽ quá trình đó là các cuộc cách mạng, đấu tranh xã hội, khủng hoảng. Theo tác giả, các xã hội đang tiến gần hơn tới một hệ thống phân phối thu nhập và tài sản công bằng, mang đến nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe hơn cho mọi người.

Sách "Lược sử về bình đẳng" do dịch giả Trần Thị Kim Chi, công tác tại Đại học Fulbright Việt Nam, thực hiện. Ảnh: NXB Trẻ

Để làm rõ, Thomas Piketty dẫn chứng nhiều trường hợp cụ thể trong lịch sử, như cuộc cách mạng Pháp, sự phân phối tài sản và thu nhập của Pháp. Ông cũng đề cập đến chủ nghĩa thực dân châu Âu dẫn đến việc các nước phương Tây thâu tóm của cải trên thế giới, quá trình cáo chung của chế độ nô lệ ở Mỹ và châu Âu, sự phát triển của chiến dịch đòi phổ thông đầu phiếu ở Thụy Điển.

Theo đề xuất của Piketty, để đẩy lùi bất bình đẳng, cần nghiêm túc xem xét hình thái chủ nghĩa xã hội: Một hình thái dân chủ, có tính sinh thái và đa văn hóa. Với sự mở rộng nhà nước phúc lợi và thuế lũy tiến, tăng cường công bằng giáo dục, đảm bảo việc làm, chống phân biệt đối xử, giảm bất bình đẳng về tiền tệ, đây là "đoạn kết hợp lý của một phong trào lâu dài hướng tới bình đẳng đã được tiến hành từ cuối thế kỷ 18". Thomas Piketty dẫn ra các nghiên cứu kinh tế - xã hội - lịch sử. Ông còn sử dụng Cơ sở dữ liệu về bất bình đẳng thế giới với sự tham gia của 100 nhà nghiên cứu, liên quan đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Sách có nhiều biểu đồ minh họa tình hình kinh tế - xã hội trong các giai đoạn kèm nhiều chú thích.

Tác phẩm đoạt giải Sách hay nhất của năm, do trang đánh giá Public Books bình chọn, được New York Times Book Review đưa vào danh sách Editor's Choice (Lựa chọn của biên tập viên). Gary Gerstle - cây bút của Washington Post - đánh giá sách là "luận điểm vững vàng về lý do tại sao chúng ta nên lạc quan về sự tiến bộ của loài người".

Thomas Piketty, 53 tuổi, là nhà kinh tế học người Pháp, hiện giảng dạy tại Trường nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội, trường Kinh tế Paris và Viện Bất bình đẳng Quốc tế thuộc trường Kinh tế London. Ông là tác giả cuốn Tư bản thế kỷ 21, từng được đón nhận khi phát hành trong nước.

Mai Nhật

Tin liên quan
Tin Nổi bật