Phân vân đóng bảo hiểm tự nguyện ở tuổi trung niên

31/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự Lao Động - Việc Làm
Phân vân đóng bảo hiểm tự nguyện ở tuổi trung niên

Ở tuổi 49, chị Lê Thị Kiều, trú Hà Nội, bắt đầu tìm hiểu cách đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Ý định xuất phát từ khi người thân gặp tai nạn suy giảm 61% khả năng lao động nhưng chưa được hưởng trợ cấp cho người khuyết tật.

5 triệu đồng lương cứng từ công việc dọn dẹp là nguồn thu nhập duy nhất của chị Kiều. Khoản chi đầu tiên không thể bớt một đồng là tiền thuốc cho con, tiền điện nước, mua thức ăn. Không có tiền phòng thân, không thể tham gia BHXH bắt buộc, chị bỏ tiền mua BHYT theo hộ gia đình. Tự nguyện đóng bảo hiểm là cách duy nhất chị nghĩ tới.

Qua nhiều kênh tư vấn, chị Kiều biết chế độ hiện hành chỉ có hưu trí và tử tuất, bổ sung trợ cấp thai sản, tai nạn lao động khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2025.

Người lao động tự do nghe tư vấn chính sách BHXH tự nguyện. Ảnh: Hồng Chiêu

Không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, chị sẽ được nhà nước hỗ trợ đóng 10% - mức thấp nhất căn cứ trên chuẩn nghèo khu vực nông thôn, hiện mỗi tháng 33.000 đồng. Nếu chọn thu nhập hiện tại làm căn cứ đóng, hàng tháng chị trích hơn một triệu đồng vào Quỹ Hưu trí. Chị tính toán các khoản chi tiêu sau này sẽ phải dè sẻn hơn, coi đây như "khoản để dành" mỗi tháng vì không đóng cũng tiêu hết.

Chị Kiều biết rõ việc tham gia bảo hiểm muộn và duy trì nền đóng trên nhiều năm, lương hưu sẽ "không đáng mấy". Nhưng chấp nhận với hy vọng "sau này mỗi năm được nâng lên một ít", là khoản gia đình có thể trông cậy vào. Trợ cấp cho người già không hưu trí tới 75 tuổi mới có thể nhận, chị sợ không thể đợi.

Song chị băn khoăn đóng khoảng 10 năm là đến tuổi hưu trong khi quy định mới 15 năm mới đủ điều kiện hưởng. Tiền nộp một lần cho thời gian còn thiếu là khoản lớn vượt quá khả năng.

Chung nỗi niềm, bà Chu Thị Hường ở Thanh Hóa có ý định đóng bảo hiểm tự nguyện vì không muốn sau này con cái phải lo. Ở tuổi 52, gia tài của bà gói gọn nửa cây vàng, một cuốn sổ tiết kiệm vài chục triệu đồng. Tiền chi tiêu mỗi tháng cóp nhặt từ đi chợ bán rau, dọn nhà theo giờ. Con cái khuyên bà gửi tiết kiệm hoặc giữ phòng thân khi đau ốm, mỗi tháng họ sẽ góp thêm một khoản biếu mẹ.

"Chúng nó đều có gia đình riêng, con cái phải chăm lo, chưa tính cuộc sống rất nhiều biến cố, đâu thể cho mình mãi", người mẹ giãi bày. Song bà phân vân tham gia muộn, nếu không đóng đủ số năm thì sau này có được lấy lại tiền?

Chị Nguyễn Thị Thảo, ở Phúc Thọ, gia nhập hệ thống an sinh năm 2019 ở tuổi 40 và chồng chị 42 tuổi sau lần đi nghe tập huấn ngoài xã. Chị Thảo làm ruộng còn chồng chạy chợ, thu nhập chỉ đủ ăn khiến họ đắn đo. Sau nhiều lần bàn bạc, cả hai quyết định đóng BHXH tự nguyện vì muốn chủ động tài chính sau khi không còn sức lao động.

Vợ chồng họ lựa chọn mức đóng thấp nhất trên chuẩn nghèo nông thôn, hiện hành 330.000 đồng mỗi tháng, tổng hơn 6,8 triệu đồng hai người mỗi năm. Sau 5 năm tham gia, chị Thảo từng đắn đo khi chưa thấy chế độ gì, bảo hiểm y tế cũng tự mua hết hơn 1,6 triệu đồng cho hai người. Song chồng chị khuyên cứ đóng coi như khoản tiết kiệm. Cuối cùng họ thống nhất "đóng được tới đâu hay tới đó, không kham nổi lại rút một lần".

Sau 16 năm thi hành chính sách, BHXH tự nguyện vẫn khiến người dân cân nhắc khi tham gia, nhất là lao động tự do độ tuổi 40-50. Nguyên do là ít chế độ ngắn hạn, tiền đóng cao, lao động phải đóng toàn bộ 22% mà không có doanh nghiệp san sẻ như khu vực bắt buộc. Trong số hơn 19 triệu người tham gia BHXH, khoảng 9% thuộc khu vực tự nguyện. Trong khi số lao động phi chính thức trong độ tuổi thường xuyên chiếm khoảng 65%, tức trên 33 triệu người.

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi giảm thời gian đóng từ 20 xuống 15 năm chủ yếu hướng đến lương hưu cho nhóm 40-45 tuổi tham gia hệ thống muộn hoặc đóng ngắt quãng. Theo tính toán của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số này khoảng 7.000 người mỗi năm.

Lao động gia nhập hệ thống muộn có thể đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH. Luật hiện hành cho phép người tham gia tự nguyện đã đến tuổi hưu trí vẫn được đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm và một lần cho số năm còn thiếu nhưng tối đa 10 năm để hưởng chế độ.

Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, giải thích đóng một lần cho thời gian còn thiếu tối đa 10 năm được áp dụng cho 20 năm tham gia BHXH. Song luật sửa đổi đã nới số năm điều kiện xuống còn 15 nên thời gian tối đa đóng một lần cho số năm còn thiếu giữ nguyên hay giảm xuống là điều các nhà làm luật phải tính toán.

Có hai luồng quan điểm. Một là nên giữ nguyên 10 năm, nới điều kiện để mở rộng diện tham gia, thậm chí có ý kiến băn khoăn vì sao không cho lao động đóng một lần cho 15 năm để hưởng lương hưu. Luồng còn lại là nên giảm xuống, lo ngại để quá dài dễ tạo tâm lý lúc trẻ không tham gia đợi về già gần tuổi hưu mới đóng một cục. Điều này không tốt cho lao động vì khoản tiền nộp một lần sẽ lớn, không phù hợp kinh tế nhiều người.

Ông Cường phân tích việc cho đóng một lần cho thời gian còn thiếu nếu quá dài dễ làm giảm động lực thúc đẩy người dân tham gia hệ thống an sinh. Bởi bản chất của BHXH là tích lũy lâu dài để hưởng lương hưu. Nếu phục vụ cho số ít người mà ảnh hưởng trên diện rộng là không nên. Việc giữ nguyên hay giảm thời gian đóng tối đa cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu sẽ được cơ quan soạn thảo tính toán, cân đối.

Ông khuyến khích người lao động trước mắt tham gia tự nguyện để hưởng hưu trí, được tự chọn mức đóng cao thấp tùy vào thu nhập. Khi đủ tuổi hưu trí theo quy định mà chưa đủ năm tham gia vẫn có thể đóng tiếp 5 năm. Cơ quan soạn thảo sẽ tính toán đề xuất nâng mức hỗ trợ trên 30%, mở rộng người thụ hưởng ở một số vùng khó khăn để thu hút người tham gia.

Hồng Chiêu

Tin liên quan
Tin Nổi bật