Phòng viêm phổi sau mắc cúm

31/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Hô Hấp Thường Gặp Các Bệnh Hô Hấp Sức Khỏe
Phòng viêm phổi sau mắc cúm

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, trong đó có cúm. Thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Hưng, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đa số người bệnh cúm chỉ có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ... Người trẻ tuổi, sức khỏe tốt bị cúm thường không nghiêm trọng, triệu chứng có thể hết sau hai tuần. Trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch suy yếu mắc bệnh cúm có thể tiến triển nghiêm trọng, dẫn đến viêm phổi.

Viêm phổi là một trong những biến chứng nặng do cúm. Người bệnh có thể bị viêm phổi do virus cúm hoặc viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn. Người lớn tuổi, có bệnh lý mạn tính bị viêm phổi sau mắc cúm có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Bác sĩ Hưng hướng dẫn một số cách phòng diễn tiến viêm phổi khi mắc cúm.

Tránh khói thuốc lá: Hóa chất trong thuốc lá có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các vi sinh vật gây bệnh. Tiếp xúc với khói thuốc làm tăng nồng độ cytokine và tế bào miễn dịch tiền viêm như bạch cầu trung tính, đại thực bào hoạt động quá mức. Chúng khiến hệ miễn dịch có thể phản ứng thái quá với virus cúm.

Chất độc hại trong khói thuốc cũng làm tê liệt tế bào lông chuyển, giảm độ nhạy cảm của cơ thể với những cơn ho thúc đẩy loại bỏ virus cúm. Điều này làm cho người bệnh sau mắc cúm có thể viêm phổi kéo dài, tổn thương nhu mô phổi lớn hơn so với người không hút thuốc. Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhiễm cúm có thể khiến tình trạng trở nặng.

"Người người hút thuốc mắc bệnh cúm có khả năng phải nhập viện cao hơn 1,5 lần, chăm sóc đặc biệt cao hơn 2,2 lần so với người chưa bao giờ hút thuốc", bác sĩ Hưng nói.

Không uống bia rượu giúp hạn chế tổn thương hệ thống tế bào miễn dịch phổi có chức năng tiêu thụ, loại bỏ virus, vi khuẩn như các đại thực bào phế nang và tế bào thực bào. Thói quen này cũng làm tăng tình trạng mất nước, cản trở chức năng miễn dịch, kích hoạt phản ứng viêm.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sau khi ho, xì mũi, đi vệ sinh, trước khi ăn hoặc chế biến món ăn... để hạn chế lây nhiễm virus, vi khuẩn khác. Vệ sinh tai mũi họng bằng muối sinh lý ấm giúp làm mềm chất nhầy, giảm nghẹt mũi. Tránh xì mũi mạnh thường xuyên do gây kích ứng niêm mạc, xoang mũi, tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn xâm nhập, gây viêm. Vệ sinh miệng để ngăn chặn tác nhân gây bệnh xâm nhập từ đường mũi, họng.

Tắm nhanh bằng nước ấm dưới vòi hoa sen ở nơi kín gió, sau đó lau khô cơ thể nhanh, nhẹ nhàng giúp thư giãn, giảm mệt mỏi, giảm đờm trong cổ họng, mũi thông thoáng, dễ thở.

Uống nhiều nước lọc ấm để tránh mất nước, hỗ trợ cơ thể thải độc, tăng cường sản xuất bạch huyết, cải thiện hệ thống miễn dịch hô hấp. Người bệnh giảm ho, dịu cơn đau họng, tăng khả năng ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập cơ thể, dễ dẫn đến nhiễm trùng.

Người bệnh có thể uống nước điện giải, cháo loãng, nước ép trái cây, rau củ, sinh tố ít đường, nước gừng, mật ong chanh. Trung bình người trưởng thành cần bổ sung khoảng 1,5-2 lít nước từ đồ uống và thực phẩm.

Tránh tiếp xúc với người ốm hay tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang, giữ ấm cổ bằng khăn quàng khi ra ngoài tránh lây lan bệnh ra cộng đồng, ngăn ngừa lây nhiễm tác nhân có thể dẫn tới viêm phổi.

Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ưu tiên rau xanh, thức ăn giàu vitamin C và kẽm để cải thiện miễn dịch, tăng sức đề kháng. Hạn chế thức ăn cay nóng, nhiều đường hoặc chất béo. Các triệu chứng có thể khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn. Nên chia làm nhiều bữa ăn trong ngày, tăng cường thực phẩm lỏng, dễ tiêu như cháo, súp... để cơ thể nhanh hồi phục.

Chế độ ăn nhiều rau xanh giúp cơ thể nhanh hồi phục, tránh biến chứng viêm phổi sau mắc cúm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tập thể dục đều đặn đẩy nhanh thời gian hồi phục nếu bị nhiễm cúm, giảm nguy cơ biến chứng viêm phổi. Theo bác sĩ Hưng, hoạt động thể chất giúp tăng nồng độ và kích thích hoạt động các tế bào bạch cầu, cải thiện các phản ứng miễn dịch. Cơ thể giảm mức độ stress oxy hóa, từ đó làm giảm nguy cơ tổn thương do viêm trong phổi.

Duy trì thói quen này đều đặn để cải thiện tuần hoàn máu, đưa oxy đến các mô phổi bị tổn thương. Sức mạnh cơ hô hấp được tăng cường, chức năng phổi cải thiện, giảm nguy cơ biến chứng như viêm phổi. Tập thể dục cũng giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, béo phì.

Nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể có thời gian hồi phục, tránh làm việc hoặc vận động quá sức. Người bệnh cần đảm bảo ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thư giãn nhằm tăng cường đề kháng.

Tiêm vaccine tạo lá chắn miễn dịch cho cơ thể, tăng khả năng chống lại các vi khuẩn và virus gây bệnh. Theo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, khoảng 85-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu, phối hợp với hệ miễn dịch bẩm sinh hình thành kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh. Một số loại vaccine có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa viêm phổi như haemophilus influenzae loại B (Hib), cúm, sởi, ho gà, phế cầu khuẩn, thủy đậu...

Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, chú ý kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm trong phòng phù hợp.

Kiểm soát bệnh nền tốt. Người béo phì, tiểu đường, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tim cần kiểm soát bệnh nền. Do nhóm này có nguy cơ diễn tiến viêm phổi sau khi mắc cúm cao hơn so với người bình thường.

Bệnh cúm có thể diễn tiến viêm phổi sau khoảng 7-10 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện sốt kéo dài, mệt mỏi, yếu cơ, khó thở, đau ngực dữ dội hoặc đau nhói, nhịp tim nhanh, môi và móng tay màu xanh... người bệnh cần đi khám sớm.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật