Phun bột nội soi cứu cụ ông xuất huyết tiêu hóa

04/01/2025
|
0 lượt xem
Các Bệnh Phẫu Thuật Nội Soi Sức Khỏe Tiêu Hóa
Phun bột nội soi cứu cụ ông xuất huyết tiêu hóa

Ngày 18/11, tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Bình, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nội soi phun bột Hemospray (một chất bột vô cơ) giúp cầm máu, tăng cường sự tập trung tiểu cầu và hoạt hóa các yếu tố đông máu, đẩy mạnh quá trình hình thành cục máu đông. Ông Xuân bị xuất huyết tiêu hóa diện rộng, không thể cầm máu theo phương pháp thông thường. "Nội soi phun bột giúp cầm máu an toàn nhất cho người bệnh lúc này", bác sĩ Bình nói, giải thích thêm bởi không cần tiếp xúc trực tiếp với các điểm chảy máu, không gây thêm tổn thương mô, ngăn tình trạng diễn tiến nặng.

Trước đó, ông Xuân bị viêm loét manh tràng nhưng không điều trị. Một tuần trước khi nhập viện, ông đột quỵ do biến chứng của bệnh rung nhĩ và rối loạn nhịp tim, được cấp cứu kịp thời và dùng thuốc kháng đông. Lần này ông đi tiêu ra máu ồ ạt. Thời điểm cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ông bị thiếu máu nặng, tụt huyết áp, mạch đập nhanh. Bác sĩ truyền hồng cầu lắng (chế phẩm máu đã tách huyết tương để thu lại lượng hồng cầu cao), ngăn thiếu máu gây biến chứng nguy hiểm. Kết quả nội soi đại tràng cho thấy viêm loét gây chảy máu diện rộng ở vùng manh tràng.

Bác sĩ Bình nội soi cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Bình chẩn đoán nguyên nhân khiến ông Xuân đi tiêu ra máu ồ ạt là do ổ viêm loét manh tràng nặng hơn khi dùng thuốc kháng đông. Nếu không cầm máu nhanh chóng, người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như sốc do mất máu đột ngột, thiếu máu lên não, thiếu oxy não gây co giật, khó thở, nguy cơ tử vong.

Phương pháp cầm máu bằng bột không mới nhưng ít được thực hiện, được chỉ định cho những trường hợp đặc biệt như khối u xuất huyết, xuất huyết do loét đường tiêu hóa lan tỏa, xuất huyết ồ ạt do tĩnh mạch thực quản vỡ, viêm loét chảy máu ở diện lan rộng, theo bác sĩ Bình. Các phương pháp như chích cầm máu, kẹp clip (kẹp mạch máu), thắt vòng cao su... thường chỉ áp dụng khi chảy máu ở những điểm cụ thể, đơn độc. Thêm nữa, ông Xuân bị suy nhược và đang dùng thuốc kháng đông, nếu cắt bỏ manh tràng nguy cơ cao chảy máu, xì rò miệng nối, biến chứng nguy hiểm.

Hình ảnh lớp bột cầm máu bao phủ và ngăn chặn tình trạng xuất huyết. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Sau khi xác định được vùng chảy máu, bác sĩ đưa một vòi phun qua ống nội soi vào lòng đại tràng và phun bột cầm máu lên vùng manh tràng đang chảy máu. Quá trình phun bột cầm máu trong 10 phút. Người bệnh hết chảy máu. Ba ngày sau, ông Xuân có thể sử dụng lại thuốc chống đông máu theo điều chỉnh của bác sĩ, tiếp tục điều trị bệnh tim mạch.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa, người bệnh cần đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, phù hợp.

Quyên Phan

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật