Cô tưởng tượng đến viễn cảnh không đủ tiền chi trả cuộc sống và không được hỗ trợ xã hội. Priya Elangovan vẫn đang giúp bố mẹ mình đi lại, mua thức ăn nhưng tương lai của cô chắc chắn không được như vậy bởi chọn sống độc thân.
"Tôi không thể trông cậy vào bất kỳ ai", cô nói.
Trong khi đó, ông Anthony, 75 tuổi, cựu nhân viên an ninh chọn sống một mình. Ông hạn chế giao tiếp với hàng xóm, không muốn làm phiền họ. Người đàn ông cũng xa lánh gia đình và con cái kể từ khi ly hôn. Anthony đã dành toàn bộ thời tuổi trẻ của mình ở nước ngoài nên không có nhiều bạn bè.
Bà Doris Tang, 74 tuổi, xem việc già đi là niềm vui. Bà tận hưởng cuộc sống hưu trí bằng việc đọc sách, chăm cháu trai, học kỹ năng và phục vụ cộng đồng.
Người phụ nữ từng làm công nhân sản xuất ở nhà máy và nghỉ hưu năm 2012. Tang nói người già đang sống lâu hơn đến 80, 90 tuổi, đồng nghĩ bà vẫn còn hơn 20 năm.
Người già Singapore. Ảnh: CNA
"Tôi không muốn lãng phí năng lượng của mình trong hai thập kỷ tới", bà nói "Miễn bạn tin mình vẫn còn giá trị thì bạn sẽ hạnh phúc".
Cuộc sống của bà Tang và ông Anthony đang phản ánh quá trình già hóa ở Singapore, diễn ra không đồng đều. Các chuyên gia xã hội học cho rằng nhóm dân số này đang có nhu cầu và kỳ vọng đa dạng.
Đồng thời, đặc điểm nhân khẩu học cũng đã thay đổi. Họ sống lâu, khỏe mạnh, có trình độ học vấn cao và giàu hơn các thế hệ trước.
Tiến sĩ Ad Maulod ở Trung tâm nghiên cứu và giáo dục lão khoa thuộc Đại học Y Duke NUS cho rằng người già là nhóm nhân khẩu đa dạng và sẽ càng đa dạng hơn trong tương lai.
Quốc gia này được dự báo sẽ chạm mốc xã hội siêu già vào năm 2026 với hơn 1/5 dân số sẽ trên 65 tuổi. Đến năm 2030, cứ bốn người Singapore thì sẽ có một người già, theo báo cáo của Văn phòng Thủ tướng.
Chính quyền Singapore đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu và sở thích của họ.
Cảnh sát về hưu Sunny Ong, 75 tuổi, là khách quen của trung tâm chăm sóc người già ở khu phố. Ông đến mỗi sáng trong tuần để chơi bóng bàn dù bộ môn không mấy hấp dẫn với người cao tuổi khác.
"Điều khiến tôi hạnh phúc chưa chắc đã khiến người khác hạnh phúc", ông nói. Các trung tâm đã mở bộ môn này sau mạt chược thu hút người già đến nhiều hơn.
Bà Tong phải nhờ hàng xóm chăm sóc mẹ. Ảnh: CNA
Tiến sĩ Corinne Ghoh ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho rằng quốc gia cần tăng cường năng lực để xoay chuyển tình thế, đáp ứng tốc độ già hòa nhanh chóng.
Tháng 11 năm ngoái, chính quyền đã triển khai chương trình Age Well SG để cung cấp phương tiện đi lại, hỗ trợ kết bạn cho người già. Trong bối cảnh quy mô gia đình ngày càng thu hẹp, Singapore khó duy trì được sự bền vững nếu chỉ dựa chăm sóc từ người thân.
Bà Edna Claudine Leong, giám đốc điều hành tổ chức tình nguyện RSVP Singapore, nói họ đang tạo ra hệ sinh thái người già chăm sóc người già. Bà cho rằng khi nhóm nhân khẩu tăng nhanh, những người đồng lứa hỗ trợ nhau sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các dịch vụ chăm sóc.
Họ tin hệ thống chăm sóc ngang hàng này sẽ hỗ trợ người cao tuổi duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc ở mức tối ưu.
Trong số đó có bà Carol Chan, 78 tuổi, làm tình nguyện hàng tuần ở Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Jalan Besar. Bà kết bạn với bà Alimah Kassim, 73 tuổi. Người phụ nữ thường xa lánh cộng đồng, đặc biệt là sau cái chết của chồng bà cách đây 5 năm.
Cô Leong nói những tình nguyện viên lớn tuổi sẽ dễ hình thành mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa với nhau. Họ hiểu được những thách thức về mặt cảm xúc và thể chất khi già đi.
Bà Tong Wai Han, 66 tuổi, phải nhờ hàng xóm, người bán hàng rong trông mẹ 94 tuổi bị mất trí nhớ giúp bởi hai người không sống chung. Tong đã từng vấp ngã khi chạy vội từ nhà mình sang nhà mẹ hay gặp khó khăn lúc đưa bà ra khỏi nhà.
Bản thân Tong cũng đang già đi không còn nhanh nhẹn như trước nữa. Do đó, bà thích mô hình người già chăm sóc người già nên học lái xe để tình nguyện đưa người mắc ung thư đi xạ trị.
"Bằng cách nào đó, tôi biết mình vẫn có thể giúp đỡ người khác", Tong nói.
Ngọc Ngân (Theo CNA)