Tàu NASA sống sót sau chuyến bay gần Mặt Trời nhất

29/12/2024
|
0 lượt xem
Khoa Học Vũ Trụ
Tàu NASA sống sót sau chuyến bay gần Mặt Trời nhất

Sau khi lập kỷ lục mới, tàu thăm dò truyền dữ liệu về Trái Đất vào nửa đêm hôm 26/12 hé lộ con tàu vẫn hoạt động bình thường, theo NASA.

Mô phỏng tàu Parker bay cực gần Mặt Trời. Ảnh: NASA

Vào 6h53 ngày 24/12 (17h53 cùng ngày theo giờ Hà Nội), tàu vũ trụ lớn bằng chiếc xe bay cách bề mặt Mặt Trời 6,1 triệu km, gần gấp 10 lần quỹ đạo của sao Thủy quanh ngôi sao. Con tàu nhiều khả năng di chuyển ở tốc độ 690.000 km/h, đủ nhanh để đi từ Tokyo tới Washington, D.C trong chưa đầy một phút, phá vỡ kỷ lục trước đó của chính nó và củng cố danh hiệu vật thể nhân tạo bay nhanh nhất trong lịch sử.

Đội điều khiển nhiệm vụ không thể liên lạc với tàu thăm dò trong suốt chuyến bay gần đây nhất, vì vậy các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Johns Hopkins (APL) tại Laurel, Maryland lo lắng chờ đợi tín hiệu sơ bộ để xác nhận con tàu sống sót. Dữ liệu viễn trắc chi tiết sẽ không được truyền về trước ngày 1/1. Hình ảnh thu thập trong chuyến bay gần sẽ được gửi về Trái Đất đầu tháng 1, tiếp theo là dữ liệu khoa học vào cuối tháng khi tàu thăm dò bay xa Mặt Trời hơn, theo Nour Rawafi, nhà khoa học làm việc trong dự án.

Tàu Parker phóng năm 2018 nhằm giải mã một số bí ẩn lớn nhất về Mặt Trời như tại sao lớp ngoài cùng của nó là vành nhật hoa lại nóng lên khi ở xa bề mặt hơn và những quá trình nào thúc đẩy hạt tích điện bay nhanh gần bằng vận tốc ánh sáng. Ngoài cách mạng hóa hiểu biết của con người về Mặt Trời, tàu thăm dò cũng chụp nhiều hình ảnh cận cảnh hiếm về các sao chổi bay ngang qua và nghiên cứu bề mặt sao Kim.

Vào đêm Giáng sinh, tàu thăm dò bay qua cột plasma vẫn gắn liền với Mặt Trời, nơi nó quan sát lóa mặt trời diễn ra đồng thời do nhiễu loạn trên bề mặt ngôi sao. Những vệt lóa này có thể tạo ra cực quang đẹp mắt trên Trái Đất nhưng cũng gây gián đoạn hệ thống liên lạc và nhiều công nghệ khác.

Tấm chắn nhiệt dày 11 cm của tàu Parker được thiết kế để chịu nhiệt độ lên tới 1.371 độ C, một phần nhờ lớp phủ màu trắng thiết kế đặc biệt nhằm phản xạ nhiều nhiệt từ Mặt Trời, giúp các thiết bị của tàu vũ trụ duy trì nhiệt độ dễ chịu. Nhưng các nhà khoa học dự đoán trong chuyến bay vừa qua, Parker đã trải qua nhiệt độ thấp hơn là 982 độ C, theo Elizabeth Congdon, kỹ sư trưởng phụ trách hệ thống bảo vệ nhiệt của tàu.

An Khang (Theo Live Science)

Tin liên quan
Tin Nổi bật