Lãnh tụ tối cao Iran, đại giáo chủ Ali Khamenei, ngày 4/10 có bài thuyết giáo đầu tiên sau 5 năm tại nhà thờ Hồi giáo lịch sử Imam Khomeini Grand Mosalla ở trung tâm thủ đô Tehran, trước hàng nghìn tín đồ.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong buổi thuyết giáo ở Tehran ngày 4/10, bên cạnh là nòng khẩu súng trường bắn tỉa kiểu Dragunov. Ảnh: AFP
Bài phát biểu được ông Khamenei thực hiện trong bối cảnh rất nhạy cảm, khi Iran đứng trước nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn diện với Israel, sau cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn vào lãnh thổ nước này để trả thù cho nhiều chỉ huy cấp cao Hamas, Hezbolah bị Tel Aviv hạ sát.
Cả Hezbollah và Hamas đều là các trụ cột trong "trục kháng chiến" được Iran dày công xây dựng và hậu thuẫn ở Trung Đông để chống lại ảnh hưởng từ kình địch Israel.
Điểm gây chú ý đặc biệt là việc đại giáo chủ Iran xuất hiện với khẩu súng trường bắn tỉa kiểu Dragunov của Nga bên cạnh, thỉnh thoảng đưa tay nắm chặt nòng súng. Theo giới quan sát, hành động này dường như là cách để lãnh tụ tối cao Khamenei, 85 tuổi, truyền đi thông điệp răn đe, cũng như lời khẳng định rằng Iran sẽ không lùi bước trước sức ép từ Israel.
"Chúng ta phải đứng lên chống lại kẻ thù, đồng thời phải củng cố đức tin vững chắc của mình", ông nói, cảnh báo rằng Israel "sẽ không tồn tại lâu".
Hình ảnh ông nắm chặt nòng súng trong tay cũng tạo ấn tượng về một lãnh đạo cứng rắn, không sợ hãi, qua đó thúc đẩy tinh thần của quân đội Iran và cả đất nước sau hàng loạt bước lùi mà Tehran cùng các đồng minh phải hứng chịu trước Tel Aviv, bình luận viên Abhishek De của India Today nhận xét.
Theo các chuyên gia về Trung Đông, trong lịch sử Iran, khi tổ chức những buổi thuyết giáo, các lãnh tụ tối cao vẫn thường cầm kiếm hoặc súng trường nhằm ngụ ý rằng nếu có bất kỳ ai muốn gây hại cho đất nước, họ sẽ là những người đầu tiên đứng lên dẫn dắt người dân chống lại kẻ thù.
Đây không phải lần đầu tiên Khamenei xuất hiện với súng khi phát biểu trước công chúng. Hồi tháng 6/2019, lãnh tụ tối cao Iran cũng mang theo một khẩu súng trường trong khi thuyết giảng để đánh dấu thời điểm kết thúc tháng Ramadan của người Hồi giáo.
Khamenei có lý do để lo lắng về vấn đề an ninh bởi ông thường xuyên phải đối mặt với mối đe dọa tính mạng từ nhiều quốc gia, trong đó có Israel. Đặt trong bối cảnh khu vực căng thẳng như hiện nay, việc ông đề cao cảnh giác không phải điều quá khó hiểu.
Đại giáo chủ Iran từng bị ám sát hụt khi thuyết giảng vào năm 1985. Một kẻ đánh bom đã tự kích nổ gần ông nhưng Khamenei đã sống sót. Ông vẫn tiếp tục bài giảng sau ba phút gián đoạn.
Trước đó, Khamenei không ít lần bị nhắm mục tiêu. Lần nghiêm trọng nhất là vào năm 1981, khi lãnh tụ tối cao Iran bị thương nặng do một quả bom giấu trong máy ghi âm phát nổ trong lúc ông thuyết giảng.
Ông bị liệt một phần cơ thể sau cuộc tấn công trên và vĩnh viễn mất khả năng sử dụng cánh tay phải.
Ngoài ra, việc ông chọn địa điểm để đưa ra bài phát biểu dường như cũng có chủ đích. Nhà thờ Hồi giáo lịch sử Imam Khomeini Grand Mosalla là một địa điểm đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.
Được xây dựng từ thế kỷ 18, nhà thờ này là một trong những di tích kiến trúc nổi bật nhất đất nước, biểu tượng của tinh thần phản kháng và là nơi tập hợp những tiếng nói bất đồng chính kiến dẫn đến việc lật đổ Vua Mohammad Reza Pahlavi để thành lập Cộng hòa Hồi giáo Iran dưới quyền đại giáo chủ Ruhollah Khomeini.
Ông Khamenei nắm tay vào khẩu súng trường đặt bên cạnh trong khi phát biểu. Ảnh: AFP
Nơi đây từng chứng kiến một số cuộc biểu tình và đình công khi bất ổn xã hội và bất mãn kinh tế dâng cao dưới chế độ Pahlavi. Nhà thờ cũng hoạt động như một trung tâm điều phối cho những nhóm đối lập khác nhau, giúp thống nhất các phe phái dưới ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo.
Từ đó đến nay, Nhà thờ Hồi giáo Khomeini vẫn là địa điểm quan trọng cho các sự kiện tôn giáo và chính trị trọng đại nhất của Iran.
Vũ Hoàng (Theo India Today, WION, AFP, Reuters)