PGS. TS Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Pháp, đưa ra nhận định trên, tại Diễn đàn One Global Vietnam (OGVF), hôm 5-6/10.
Đây là sự kiện bên lề Hội nghị thượng đỉnh La Francophonie (Pháp ngữ) lần thứ 19, tại Paris, Pháp, do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) chủ trì.
Theo ông Trung, tiếng Pháp có lịch sử thăng trầm tại Việt Nam. Trước năm 1954, học tiếng Pháp là truyền thống, bởi có mặt trong hầu hết hoạt động hành chính, giao dịch. Sau Hiệp định Geneve, Pháp rút khỏi Việt Nam, ngôn ngữ này không còn được chuộng như trước. Hàng nghìn giáo viên dạy tiếng Pháp ở phổ thông mất việc.
Năm 1970, tiếng Pháp thịnh hành trở lại khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Pháp ngữ, nhiều học bổng du học được trao cho sinh viên. Phong trào lại nổi lên vào năm 1997, khi hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7 được tổ chức ở Việt Nam.
"Khi đó, quan hệ Pháp và Việt Nam kết nối bằng cách đào tạo nguồn nhân lực, nổi lên là lĩnh vực giáo dục, y tế và công nghệ", ông Trung đánh giá. Nhiều giáo viên, chuyên gia, giáo sư đầu ngành từng học tập tại Pháp, sau trở thành lãnh đạo bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu...
Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, sự xuất hiện của các nhà đầu tư Mỹ, Hàn, Nhật khiến các ngôn ngữ này ngày càng phát triển ở Việt Nam. Trong khi đó, vị thế của tiếng Pháp dần mai một.
Ông Trung đánh giá chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Pháp từ ngày 3 đến 7/10, là dấu hiệu tích cực để tiếng Pháp thịnh hành trở lại ở Việt Nam.
Ông đề xuất kiều bào Pháp tăng cường kết nối, thông qua các dự án, chương trình đào tạo, tư vấn... để đưa công nghệ, mối quan hệ quốc tế, kiến thức về nước, đồng thời lan tỏa các giá trị Việt Nam ở nước ngoài.
PGS TS Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ Việt Nam, tại OGVF 2024. Ảnh: Phương Sơn
Đồng tình, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tận dụng cộng đồng Pháp ngữ để phát triển.
GS Pierre Fenies, Giám đốc chương trình Logistics và Chuỗi cung ứng, Đại học Paris Panthéon Assas, Pháp, cho rằng khối Pháp ngữ không chỉ giúp tăng cường mối quan hệ ngôn ngữ mà còn tạo ra cơ hội kinh tế đáng kể. Chẳng hạn, với thế mạnh về sản xuất linh kiện điện tử, Việt Nam có tiềm năng trở thành nhà cung cấp quan trọng cho các nước nói tiếng Pháp.
Ông Matteo Dominici, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ Merja Zarka, Maroc, thêm rằng Việt Nam với thành tựu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể chuyển giao kiến thức chuyên môn sang các nước châu Phi như Maroc hay Senegal. Các kinh nghiệm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam cũng là mô hình có thể giúp châu Phi phát triển kinh tế và vốn đầu tư.
"Việc chia sẻ tiếng Pháp, hiểu biết về văn hóa là tài sản để tăng cường hợp tác giữa các quốc gia", ông nói.
Bà Đinh Thanh Hương, kiều bào Pháp, Giám đốc điều hành tri thức và dự án của AVSE Global, cho rằng Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần này cùng chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là cơ hội để hai nước cùng nhìn lại mối quan hệ hợp tác, tận dụng thế mạnh của nhau. Trong chiến lược đó, người Việt ở Pháp là cầu nối để giúp Việt Nam phát triển các lĩnh vực như cầu đường, quy hoạch, kiến trúc, giao thông, y tế...
Các chuyên gia nêu giải pháp phát triển tiếng Pháp tại OGVF 2024. Ảnh: Phương Sơn
Cộng đồng Pháp ngữ hiện có 88 thành viên và quan sát viên, với các nước châu Âu như Pháp, Bỉ, Bulgaria, Hy Lạp, Thụy Sĩ, các nước châu Phi như Mali, Morocco, Cameroon và một số nước châu Á như Việt Nam, Lào, Campuchia. Với khoảng 1,2 tỷ người, khối này chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu.
Trong buổi làm việc chính thức với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết hai bên cùng nhìn lại quá trình gắn bó cùng hơn 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.
"Chúng tôi cũng bàn bạc sẽ nâng quan hệ Việt Nam và Pháp lên đối tác chiến lược toàn diện", ông nói, cho biết sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ với Pháp trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, đối ngoại, kinh tế, giao lưu nhân dân...
Việt Nam hiện có khoảng 30.000 học sinh phổ thông học tiếng Pháp, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cuối năm ngoái. Trong số học sinh học ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, số theo tiếng Pháp đông nhất, tiếp đến là tiếng Nhật và Trung Quốc.
Thu Hằng