Bộ đồ vũ trụ mới của Trung Quốc. Ảnh: Third Space Suit Technology Forum
Cơ quan Không gian Có người lái Trung Quốc (CMSA) hé lộ bộ đồ vũ trụ trọng lượng nhẹ hôm 28/9 sau 4 năm nghiên cứu và phát triển. Bộ đồ này được thiết kế để bảo vệ phi hành gia trong các hoạt động ngoài trời ở môi trường khắc nghiệt trên Mặt Trăng.
Khác với Trái Đất, Mặt Trăng không có khí quyển dày nên nhiệt độ thay đổi rất nhiều và nhanh, từ khoảng 120 độ C đến -130 độ C ở khu vực gần xích đạo. Phi hành gia cũng sẽ phải đối mặt với áp suất gần ở mức chân không và bức xạ Mặt Trời cao hơn đáng kể so với khi ở Trái Đất.
Bộ đồ mới sẽ cho phép phi hành gia đi bộ, leo trèo, lái xe và tiến hành nghiên cứu khoa học trên bề mặt Mặt Trăng. Bộ đồ làm từ vải thiết kế đặc biệt để che chắn cho phi hành gia khỏi nhiệt và bụi Mặt Trăng. Nó cũng tích hợp găng tay bảo vệ và có khớp gối để người mặc di chuyển linh hoạt trong điều kiện trọng lực thấp. Ngoài ra, bộ đồ còn có kính che mặt chống lóa và bảng điều khiển tích hợp hệ thống liên lạc và camera.
Thiết kế của bộ đồ màu trắng lấy cảm hứng từ văn hóa Trung Quốc. Phần trên có những dải màu đỏ, thể hiện sự cân bằng giữa sức mạnh và sự duyên dáng, tương tự một bộ áo giáp. Các dải màu đỏ ở chân tượng trưng cho đuôi tên lửa đỏ rực khi phóng.
Hồi tháng 4, CMSA thông báo rằng việc phát triển các hệ thống để đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào cuối thập kỷ này vẫn đang diễn ra đúng tiến độ. Kế hoạch của Trung Quốc bao gồm hai lần phóng tên lửa Trường Chinh 10 để đưa ba phi hành gia và tàu đổ bộ lên quỹ đạo quanh Mặt Trăng.
Tàu vũ trụ Mộng Châu và tàu đổ bộ Lãm Nguyệt sẽ ghép nối trên quỹ đạo rồi đáp xuống bề mặt Mặt Trăng. Hai phi hành gia sẽ dành vài giờ trên thiên thể này để tiến hành nghiên cứu khoa học và thám hiểm, sau đó bay lên quỹ đạo để gặp lại đồng nghiệp của mình. Cuối cùng, cả ba sẽ trở về Trái Đất.
Mỹ cũng đang lên kế hoạch đưa con người trở lại Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ sau Chương trình Apollo (1969 - 1972), với một nhiệm vụ dự kiến diễn ra sớm nhất vào năm 2026. Đây là một phần trong chương trình Artemis của NASA nhằm thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt Trăng và chuẩn bị cho những nhiệm vụ tương lai tới sao Hỏa.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)