Kết quả chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho thấy nang vú khoảng 1 cm ở ngực phải của chị Huyền, 45 tuổi, gây viêm, túi ngực vỡ nhưng bao xơ còn nguyên nên silicon chưa lan rộng ra mô. Ngực trái bệnh nhân có nhiều u vú rải rác kích thước 0,5-1 cm.
Ngày 21/10, BS.CKII Lê Nguyệt Minh, Trưởng đơn vị Bệnh tuyến vú, cho biết người bệnh được loại bỏ nang vú viêm, sinh thiết các khối u để loại trừ nguyên nhân ung thư vú, sau đó thay túi ngực mới. Tuy nhiên túi ngực được chị Huyền đặt 10 năm nay có dấu hiệu hư hỏng. Do đó nếu bác sĩ xử lý u không cẩn thận rất dễ xâm lấn lên túi ngực khiến silicon rò rỉ rộng hơn.
Chị Huyền được điều trị bằng phương pháp cắt hút chân không (VABB) dưới siêu âm để lấy được nhiều nhất khối u trong một lần chọc kim, đồng thời tránh tác động tới túi ngực. Sau 20 phút, toàn bộ nang vú viêm và các khối u hai bên ngực được lấy ra trọn vẹn, túi ngực được bảo tồn. Kết quả xét nghiệm u lành tính, bác sĩ phẫu thuật loại bỏ túi ngực vỡ và thay mới, giúp người bệnh lấy lại hình dáng ngực ban đầu.
Vỡ túi ngực là biến chứng của phẫu thuật nâng ngực, xảy ra khi túi độn ngực (chứa silicon hoặc nước muối) bị rách, vỡ, khiến chất lỏng bên trong rò rỉ ra ngoài. Triệu chứng thường gặp là đau tức, nóng đỏ vùng ngực, xuất hiện các u cục, ngực biến dạng, khá tương đồng với triệu chứng của các bệnh tuyến vú như u xơ, u nang vú, ung thư vú, theo bác sĩ Minh.
Một số trường hợp vỡ không gây triệu chứng, không được phát hiện và loại bỏ kịp thời, có thể nhiễm trùng, biến dạng ngực khó phục hồi. Silicon di chuyển sang các bộ phận khác dễ dẫn đến biến chứng, quá trình loại bỏ khó khăn.
Vỡ túi ngực do nhiều nguyên nhân như va chạm, chấn thương ngực, co thắt bao xơ tạo ra mô sẹo... Song, phổ biến nhất là túi ngực vượt quá thời gian sử dụng khuyến nghị (trung bình 10-15 năm).
Bác sĩ Minh tư vấn cho người bệnh về tầm soát ung thư vú. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến cáo phụ nữ đặt túi ngực silicon sau 5-6 năm đầu tiên và cứ 2-3 năm sau đó nên chụp cộng hưởng để sàng lọc vỡ túi ngực, bất kể có triệu chứng hay không.
Bác sĩ Minh cho biết nhiều nghiên cứu chứng minh túi ngực không làm tăng nguy cơ ung thư vú, nhưng phụ nữ đặt túi ngực vẫn cần tầm soát ung thư vú định kỳ. Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên chụp X-quang vú mỗi năm một lần. Người mang đột biến gene BRCA, hoặc có bố, mẹ, anh chị em ruột mang gene này, hoặc tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú cần tầm soát hàng năm bằng cách chụp cộng hưởng từ ngực.
Hoài Phạm
20h ngày 22/10, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Tầm soát, điều trị ung thư vú: Phát hiện sớm để khỏe đẹp hơn", phát trên fanpage VnExpress.
Các bác sĩ tham gia tư vấn gồm: BS.CKII Lê Nguyệt Minh, TS.BS Trần Hải Bình - Phó khoa Ung bướu, TS.BS Hoàng Thị Phương Lan - Bác sĩ Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Độc giả gửi câu hỏi tại đây.